Rất nhiều đôi vợ chồng chưa sinh được con dù mới cưới lo sợ mình bị hiếm muộn. Vậy thế nào được coi là hiếm muộn?
1. Hiếm muộn được xác định như thế nào?
Hiếm muộn được xác định khi hai vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, sau 6 tháng (đối với vợ từ trên 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với vợ dưới 35 tuổi) mà chưa thụ thai tự nhiên.
Khả năng có thai của một cặp vợ chồng khỏe mạnh, tuổi dưới 30, quan hệ tình dục thường xuyên (khoảng 2 – 3 lần/tuần), không sử dụng biện pháp tránh thai là 20 – 25% mỗi tháng, do đó đa số các cặp vợ chồng sẽ có thai trong một năm đầu.
Hiếm muộn là một tình trạng bệnh lý của cặp vợ chồng, gồm hai loại là hiếm muộn nguyên phát và hiếm muộn thứ phát:
- Hiếm muộn nguyên phát được sử dụng đối với một cặp vợ chồng chưa từng có thai lần nào.
- Hiếm muộn thứ phát chỉ những cặp vợ chồng đã có thai ít nhất một lần, nay muốn tiếp tục sinh đẻ nhưng không thể có thai được.
2. Nguyên nhân gây ra hiếm muộn là gì?
Hiếm muộn do rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do người vợ, do người chồng, hoặc do cả hai. Theo thống kê, tần suất hiếm muộn do người vợ và do người chồng là tương đương nhau.
Nguyên nhân hiếm muộn thường gặp do người chồng:
- Bất thường chất lượng tinh trùng.
- Bất thường số lượng tinh trùng.
- Suy tuyến sinh dục gây thiếu hụt nội tiết.
- Xuất tinh sớm.
- Xuất tinh ngược dòng.
- Nghiện rượu, nghiện thuốc lá.
Nguyên nhân hiếm muộn thường gặp do người vợ:
- Tổn thương vòi trứng.
- Rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng.
- Khối u buồng trứng.
- Nhiễm trùng vùng chậu.
- Dinh dưỡng kém.
- Tuổi lớn.
- Lạc nội mạc tử cung.
3. Hiếm muộn điều trị như thế nào?
Hiếm muộn gây ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc hôn nhân của các cặp vợ chồng. Sự phát triển của y học và khoa học kĩ thuật với những bước tiến lớn đã tạo ra những phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể giúp khắc phục tình trạng hiếm muộn, như:
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination – IUI).
- Thụ tinh nhân tạo: thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (In vitro fertilization – IVF), thụ tinh trong ống nghiệm theo phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intra-cytoplasmic sperm injection – ICSI), chuyển phôi giai đoạn phôi nang – phôi ngày 5, hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted hatching – AH).
- Trưởng thành noãn trong ống nghiệm (Intra-cytoplasmic sperm injection – IVM).
- Lấy tinh trùng bằng thủ thuật.
- Trữ lạnh tinh trùng, noãn, phôi; cho – nhận noãn, tinh trùng, phôi.
- Điều trị rối loạn nội tiết, phẫu thuật điều trị vô sinh,…
Hiếm muộn do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Do đó, cả vợ cả chồng đều cần tới bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chẩn đoán để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới hiếm muộn, và từ đó bác sĩ mới chỉ định phương pháp điều trị thích hợp mang lại kết quả.