PHÒNG VÀ XỬ TRÍ KHI BỊ KIẾN BA KHOANG ĐỐT

Hàng năm, cứ đến mùa mưa, khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, số người nhập viện vì kiến ba khoang lại tăng đột biến. Tại TP.HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang, trung bình mỗi ngày 80-100 ca, tăng đột biến gấp nhiều lần so với những tháng trước.

Tại Hà Nội,  theo BS. Quách Thị Hà Giang – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh viện thường tiếp nhận đông bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang (KBK) từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm. Thời điểm này, số bệnh nhân đã bắt đầu gia tăng.

Chỉ cần tiếp xúc với kiến KBK là tổn thương da

KBK là loại côn trùng nguy hiểm. Độc tố trong KBK mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, khi tiếp xúc với chất gây độc của KBK nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.

Trong cơ thể KBK chứa độc tố pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da có thể nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh. Vết thương do KBK đốt có đặc điểm sau: Tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay. Vết thương thành vệt dài hoặc thành đám. Ban đầu là những nốt ban đỏ rồi sưng lên thành mụn mủ có điểm lõm màu trắng vàng ở giữa. Nếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch. Thường đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân.

Kiến ba khoang và vết đốt.

Kiến ba khoang và vết đốt.

Làm gì khi bị bị chất độc của KBK dính vào da?

Lấy nước sạch mát rửa chỗ kiến đốt rồi cho xà phòng rửa vào. Bạn phải hết sức nhẹ nhàng nếu không sẽ làm trầy xước hoặc vỡ vết thương. Nhanh chóng bôi hồ nước (có bán ở các hiệu thuốc). Những ngày sau đó, tùy vào mức độ bị kiến đốt, có thể sử dụng một số loại thuốc sau bên cạnh việc bôi hồ nước đều đặn. Nốt ban đỏ bị chuyển sang nốt mụn mủ, phồng rộp lên: Bạn nên dùng thêm mỡ oxyde kẽm, mỡ kháng sinh để bôi lên da. Nếu vết đốt có dấu hiệu lở loét, nhiễm khuẩn, bị rỉ mủ: Bạn bôi thêm dung dịch xanh metilen 1% và để yên tâm, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Mỗi ngày nên bôi thuốc thành 2 lần. Trước khi bôi, bạn rửa sạch vết thương với nước muỗi loãng (có bán ở các hiệu thuốc).

Gặp KBK tiếp xúc với cơ thể, phải xử trí thế nào?

Không nghiền nát, chà xát kiến khi thấy nó xuất hiện trên thân mình để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố. Rửa sạch vết thương (nhất là ở vùng mắt) càng nhanh càng tốt khi bị dính chất độc, bôi thuốc, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bàn tay nếu lỡ đập chết KBK, cần rửa sạch bằng xà phòng càng sớm càng tốt để tránh độc tố kiến dính vào. Khi da bị tổn thương tấy đỏ, lan rộng, phải đi khám, không nên tự ý mua thuốc điều trị bởi trong các loại thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid, chất giải độc tố… nên cần có bác sĩ chỉ định mới được dùng.

Viêm da do KBK thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Rửa bằng xà phòng để tránh nhiễm khuẩn.

Rửa bằng xà phòng để tránh nhiễm khuẩn.

Các biện pháp phòng tránh KBK

Nếu phát hiện trong nhà có KBK hoặc tiếp xúc với chúng, chúng ta cần chú ý:

KBK không tấn công mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây nên viêm da dị ứng. Vì vậy, trước khi sử dụng khăn lau hoặc quần áo phải xem xét kỹ, nếu phát hiện có kiến thì nhẹ nhàng di chuyển chúng ra khỏi đồ dùng (dùng 1 tờ giấy cho kiến bò sang rồi di chuyển chúng sang nơi khác). Buổi tối, khi sinh hoạt hoặc làm việc dưới ánh đèn, cần đóng cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở ngoài vào nhà. Buông rèm che ánh sáng lọt ra ngoài thu hút KBK. Các khu nhà ở chật hẹp như: ký túc xá hoặc khu nhà ở của công nhân gần các khu công nghiệp, ở gần nơi có nhiều cây cỏ, bụi rậm, đồng ruộng vừa mới gặt xong, cần vệ sinh môi trường, gom xác cây mục, cỏ khô đem đốt để xua đuổi côn trùng.

Sử dụng bình xịt côn trùng gia dụng, xịt vào các chân tường, bậc cửa ra vào, cửa sổ để ngăn kiến bò vào nhà. Sử dụng các loại bẫy đèn để dẫn dụ và bắt kiến, không cho kiến vào nhà.

Share on facebook
Facebook
Share on google
Google+
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn
Share on pinterest
Pinterest
  • Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư BT Việt Nam
    Đơn vị phân phối độc quyền Zell-V tại Việt Nam
  • Add : B9-B10 Richland Tower, Ngõ 233 Xuân Thuỷ - Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • Điện thoại tư vấn : 024 36 83 9999
  • Hotline : 0973 059 555
  • Email : tuvan@yhoctaisinh.com
  • Website : www.yhoctaisinh.com
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN

NHẬN TÀI LIỆU VÀ TƯ VẤN TỪ CHUYÊN GIA

về Liệu pháp Y học tái sinh

Scroll to Top