Các “túi ngoại bào sủi bọt” – một cấu trúc hình bong bóng kích thước nano trong cơ thể có thể được lợi dụng để tạo nên một phương pháp điều trị ung thư đột phá.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Michigan và Đại học Stanford (Mỹ) đã phát hiện ra một cấu trúc ngay trong cơ thể con người và động vật có thể đóng vai trò “người vận chuyển” trong những phác đồ trị ung thư mới dựa trên sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp gene.
Phương pháp mới hứa hẹn cứu được nhiều bệnh nhân ung thư vú và có thể là nhiều dạng ung thư khác nữa – ảnh minh họa từ internet
Đó là các “túi ngoại bào sủi bọt”, những vật thể kích thước nano được các tế bào khỏe mạnh giải phóng ra, nhằm vận chuyển các vật liệu di truyền như DNA và RNA sang các tế bào khác.
Theo tiến sĩ – trợ lý giáo sư Masamitsu Kanada từ Viện Định lượng Khoa học và kỹ thuật Y tế thuộc Đại học Bang Michigan (Mỹ), họ đang thí nghiệm những loại thuốc vốn là tiền chất, không hoạt động trong điều kiện bình thường. Nhưng một khi chúng chuyển hóa trong cơ thể, các phản ứng nhanh chóng được kích hoạt và có thể chiến đấu với ung thư.
Họ sẽ tạo ra các gene có thể sản xuất enzyme phù hợp để làm động tác kích hoạt sự chuyển hóa thuốc đó và gửi các gene này vào cơ thể bằng các túi ngoại bào sủi bọt.
Phương pháp mới là đòn tấn công trực tiếp vào tế bào, giúp tăng hiệu quả của thuốc và không gây thiệt hại lớn cho các tế bào lành mạnh như hóa trị truyền thống. Phương pháp đã được thí nghiệm trên chuột và đem lại hiệu quả cực kỳ tốt trong bệnh ung thư vú, theo bài công bố trên tạp chí khoa học Molecular Cancer Therapeutics.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nỗ lực để tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên người.
(Theo EurekAlert, Science Daily)