Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao, người tiêu dùng mỹ phẩm trên thế giới đã có ý thức hơn trong việc sử dụng mỹ phẩm sao cho ít gây ra những hậu quả cho môi trường nhất có thể.
Bao bì thiên nhiên
Một vài năm nay, các nhà sản xuất mỹ phẩm đã tìm cách thay đổi bao bì sản phẩm thành chất liệu dễ phân hủy hơn. Một số nhãn hàng đã chuyển son dưỡng từ vỏ nhựa sang vỏ giấy. Các sản phẩm như lăn khử mùi, chống nắng, phấn trang điểm và son màu… cũng bắt đầu xuất hiện trên thị trường với bao bì thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng trên thế giới cũng bắt đầu thể hiện thái độ đối với những sản phẩm sử dụng một lần trong bao bì nhựa. Chẳng hạn như mặt nạ một lần, dầu gội và dầu xả một lần đựng trong bao bì nhựa, tuy rất tiện dụng nhưng lại xả ra nhiều chất thải. Hay có những nhóm người tiêu dùng “nói không với mẫu thử”: thay vào việc nhận mẫu thử dùng một lần, họ đến tận cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm.
Sử dụng xà phòng bánh
Xà phòng bánh là sản phẩm thay thế hoàn hảo cho sữa tắm hoặc dầu gội, nếu xét về tính thân thiện với môi trường. Nếu sữa tắm hay dầu gội cần phải đóng trong chai nhựa (và có thể có màng nhựa bọc ở bên ngoài), thì xà phòng chỉ cần được bọc bằng giấy hoặc một lớp ni lông trong và mỏng.
Công cụ làm đẹp dễ phân hủy thay cho đồ nhựa
Nếu như ngày trước, người tiêu dùng ở Việt Nam gần như chỉ có thể chọn các loại chổi, cọ trang điểm bằng nhựa, thì nay, những công cụ làm đẹp bằng tre, gỗ đã phủ rộng nhiều chuỗi siêu thị lớn. Gần đây nhất, tại Việt Nam có trào lưu “bàn chải tre”. Theo đó, cán nhựa của bàn chải được thay bằng chất liệu tre (hoặc chất liệu gỗ khác).
Sử dụng hàng nội địa để giảm khí thải carbon
Khí thải carbon là lượng khí thải vào môi trường thông qua các hoạt động thường nhật. Hoạt động xuất nhập khẩu mỹ phẩm được cho là đã xả ra nhiều khí CO2, do đó những người sống xanh đang ưu tiên sử dụng các mặt hàng nội địa hơn là hàng nhập khẩu.
Xu hướng tiêu dùng hàng nội địa để bảo vệ môi trường xuất phát từ nước ngoài và đã lan sang Việt Nam. Những năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện nhiều nhãn hàng mỹ phẩm được sản xuất trong nước với chất lượng cao và giá thành hợp lý. Một bước tiến nữa cho mỹ phẩm Việt để bảo vệ môi trường là trồng các loại thảo mộc bản địa và khai thác thành nguyên liệu mỹ phẩm – để thay thế cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Làm đẹp tối giản với mỹ phẩm xanh
Cùng với sự phổ biến của các cuốn sách về phong cách sống của người Nhật, lối sống tối giản đã trở thành một xu hướng của giới trẻ Việt Nam. Nhiều người sống tối giản là những người yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bởi hai phong cách sống này có rất nhiều điểm tương đồng với nhau.
Làm đẹp tối giản cũng trở thành lựa chọn làm đẹp và chăm sóc da của họ. Thay vì sử dụng nhiều sản phẩm, một người tiêu dùng có thể chỉ dùng một sản phẩm rửa mặt và một sản phẩm dưỡng có chất lượng tốt để thay thế cho một quy trình chăm sóc da nhiều bước vốn thịnh hành tại Việt Nam.
Chăm sóc da tối giản là cách thức dưỡng da tuy không cầu kỳ nhưng có thể cho kết quả tốt. Phương thức này cũng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, chẳng hạn như Pháp và Nhật. Hàn Quốc được nhớ đến là đất nước có quy trình chăm sóc da và trang điểm cầu kỳ. Tuy vậy, cũng tại Hàn Quốc đã xuất hiện những trào lưu làm đẹp ngược lại: Skincare Diet (giảm dưỡng da) và No Makeup (không trang điểm, hoặc gần như không trang điểm).
Với diễn biến ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, việc sử dụng mỹ phẩm xanh không còn nằm ở việc “khai thác các giá trị thiên nhiên cho vào mỹ phẩm”, mà còn là “giữ gìn cho trái đất mãi xanh”. Trong những năm tới, chúng ta sẽ ngày càng thấy xu hướng tiêu dùng yêu thiên nhiên này mạnh mẽ hơn, thể hiện bởi cả hành vi mua sắm lẫn những động thái từ các nhãn hàng.